Xin thưa bài viết được trình bày ở dạng tranh biện, chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của riêng tôi, có thể "gây choáng" một số người và làm một số người khác khó chịu.
Tôi là
một người học chuyên Toán từ bé, tham gia rất nhiều những kỳ thi học sinh giỏi
Toán, tốt nghiệp đại học sư phạm Toán loại giỏi, thạc sĩ Toán, làm nghiên cứu
sinh ở Pháp, nhiều năm giảng dạy Toán, sau đó từ bỏ nghề thầy giáo, lao vào môi
trường doanh nghiệp để trải nghiệm, 5 năm làm cho các công ty nước ngoài (Úc,
Singapore), hơn 1 năm nghiên cứu về giáo dục Mỹ, Singapore, vừa làm cho một tập
đoàn Singapore vừa đang trực tiếp dạy Toán tiếng Anh buổi tối cho học sinh từ
lớp 1 đến lớp 10, mỗi ngày 2 ca, tuần 10 ca liên tục.
Tôi suy
nghĩ, trăn trở rất nhiều và hôm nay quyết định viết bài này nói về việc dạy và
học Toán ở Việt Nam, đối chiếu với dạy và học Toán ở Mỹ và Singapore, hai cường
quốc về Giáo dục và Kinh tế của thế giới.
Bài
viết được trình bày ở dạng tranh biện, chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tôi,
có thể "gây choáng" một số người và làm một số người khác khó chịu!
Tôi sẵn sàng đón nhận tất cả những thái độ và những tranh luận khác nhau đối
với bài viết này.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày
9/12/2018, nhân ngày hội Toán học ở Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí
Minh, trường Đại học Sài Gòn tổ chức một buổi tọa đàm với chủ đề Học toán để
làm gì?, trong đó có sự chia sẻ của những vị thầy hàng đầu, đáng kính của tôi
về Toán học của Việt Nam.
Cứ như
những chia sẻ của các thầy, thì bản thân các thầy sau hơn nửa đời người làm
Toán vẫn loay hoay với câu chuyện Toán học rất tuyệt vời, rất quan trọng, các
thầy rất mê Toán, nhưng phải làm sao để khuyến khích tất cả những người khác
cũng mê Toán như các thầy?
Trong
khi đó, những người làm Toán, dạy Toán đã bao giờ tự hỏi rằng "cái thứ mà
chúng ta đang gọi là Toán học" đó có gì hấp dẫn không, có lợi gì cho cuộc
sống thực tế không, có giúp cho người học tạo giá trị cho cộng đồng và có tiền
trả về không? hay chỉ đơn giản là thứ để chúng ta tự sướng với nhau? Bản thân
nội dung thứ Toán học mà chúng ta đang nghiên cứu và giảng dạy có vấn đề gì
không? Hay chúng ta tự cho rằng Toán học hiện nay như bông hoa tuyệt đẹp rồi,
trách nhiệm của người học là phải khám khá ra vẻ đẹp của bông hoa đó để mà
ngửi, mà ngắm?
Để trả
lời câu hỏi này, tôi sẽ trình bày quy trình hình thành nội dung Toán học và các
bài toán, thứ quan trọng nhất tạo ra sự hấp dẫn hay chán ghét trong lòng người
học đối với Toán.
DẠY VÀ HỌC TOÁN Ở MỸ VÀ
SINGAPORE
Ở Mỹ và
Singapore, trong mấy chục năm gần đây, việc hình thành nội dung Toán, các bài
Toán và cách dạy và học Toán đi theo quy trình 4 bước:
Bước 1:
Quan sát các tình huống thực tế và phát hiện ra vấn đề cần giải quyết.
Bước 2:
Tìm kiếm một mô hình Toán học thể hiện được bản chất của vấn đề thực tế đó.
Bước 3:
Giải quyết mô hình Toán học trên và tìm ra đáp án.
Bước 4:
Áp dụng kết quả có được vào tình huống thực tế để giải quyết vấn đề.
Mọi nội
dung toán học, mọi bài toán từ lớp 1 đến lớp 12 và cả đại học đều được phát
triển theo quy trình 4 bước như trên.
Do vậy,
mọi bài Toán được phát biểu dưới dạng 1 tình huống thực tế (họ gọi là word
problem) và trông nó chẳng có gì là Toán học cả.
Đứa trẻ
học những bài toán kiểu này tất nhiên vẫn phải rèn luyện kỹ năng giải Toán,
nhưng có 2 kỹ năng quan trọng hơn là 1- khả năng tìm ra mô hình Toán học phù
hợp áp dụng vào tình huống thực tế có vấn đề và 2- khả năng áp dụng kết quả có
được vào giải quyết vấn đề mang tính thực tế.
Những
bài Toán kiểu này rất hấp dẫn và kích thích người học, nó như thỏi nam châm hút
lấy người học.
Như
vậy, trẻ em Mỹ/Singapore học Toán thực chất là rèn luyện kỹ năng giải quyết các
vấn đề trong thực tiễn, trong tài liệu giáo dục của họ thường viết là: to solve
real-world problems.
Trong
bản Chiến lược về giáo dục STEM (Science - Technology - Engineering -
Mathematics Education) của Mỹ vừa được Tổng thống phê duyệt tháng 12/2018, một
trong 4 lộ trình (pathway) được vạch ra là "Tạo cảm hứng và khuyến khích
người học bằng cách tập trung vào những vấn đề, những thách thức của thế giới
thực phức tạp đòi hỏi sự chủ động và sáng tạo".
Bản
chiến lược này cũng đặt ra vấn đề biến Toán học trở thành Thỏi nam châm bằng
cách biến Toán học trở thành công cụ mô hình hóa cho thế giới thực, dạy và học
Toán bằng trải nghiệm, bằng các tình huống thực tế đầy ý nghĩa, mang tính ứng
dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày.
DẠY VÀ HỌC TOÁN Ở VIỆT
NAM
Quay
lại quy trình 4 bước hình thành một bài toán ở trên, Việt Nam chúng ta đang làm
thế nào?
Chúng
ta cắt đầu, cắt đuôi, chỉ giữ lại 2 bước giữa: 2 và 3. Bịa đặt ra bài toán và
yêu cầu học sinh giải bài toán đó cho ra kết quả. Chấm hết.
Các nhà
toán học, các thầy cô dạy Toán ra sức ngồi trong 4 bức tường, phòng lạnh, căn
cứ các bài toán có sẵn trong các loại sách, rồi tìm cách thêm bớt giả thiết,
kết luận, bịa đặt ra vô số các bài toán khác nhau với độ khó tăng dần để thách
thức, đánh đố học sinh của mình thông qua một loạt các kỳ thi như: hỏi miệng,
kiểm tra 15p, 1 tiết, học kỳ, cuối năm, học sinh giỏi, thi THPT quốc gia, v.v.
Chúng
ta gọi những thứ bịa đặt đó là Toán học, cho rằng nó đẹp như một bông hoa và
đòi hỏi người học phải yêu nó, mê nó, học nó và tìm cách giải nó. Người học
không mê nó thì chúng ta đổ lỗi cho người học là không có ý thức học tập, lười
biếng.
Trong
khi, những bài toán được bịa ra đó không hề được sử dụng để mô hình hóa cho bất
kỳ tình huống có vấn đề nào đó trong thực tế cuộc sống đầy những sôi động.
Những bài toán khô khan, trống rỗng, lý thuyết suông như vậy làm sao hấp dẫn
người học được?
Chúng
ta biến những đứa trẻ trở thành thợ giải Toán lý thuyết thuần túy. Chúng giải
toán giỏi, nhưng chúng chẳng biết sử dụng kỹ năng đó để làm gì và chẳng tạo ra
được bao nhiêu giá trị cho cộng đồng.
Nhiều
thầy giáo, bạn học của tôi trước đây và hiện nay, các nhà Toán học, tiến sĩ
Toán, các thầy dạy Toán bằng kiến thức kỹ năng của mình chẳng tạo ra được bao
nhiêu giá trị cho cộng đồng nên nhận về không được bao nhiêu tiền bạc dẫn đến
già đi mà chẳng có bao nhiêu tài sản, tiền bạc hoặc phải làm thêm vô số các
nghề ngoài chuyên môn để kiếm sống, làm giàu.
Nếu
chúng ta cứ tiếp tục như vậy, chúng ta không chỉ làm hại đến các thế hệ học trò
mà làm hại chính con em của mình, những đứa trẻ do chính mình đẻ ra và nuôi dạy
trong ngôi nhà của mình.
Những
đứa trẻ bị nhồi nhét thứ Toán học bịa đặt thuần lý thuyết đó (trong đó có bản
thân tôi) bị ám ảnh bởi tư duy đúng tuyệt đối, cái gì cũng đòi hỏi logic chặt
chẽ nên thiếu sự đón nhận những ý kiến đa chiều, thiếu sự chấp nhận những người
sống bằng cảm xúc, ít lý trí và ít logic.
Những
đứa trẻ này thích lý lẽ, thích tranh luận, thích thắng thua mà quên rằng tình
thương dành cho đồng loại, động vật, cây cỏ còn vượt lên trên tất cả những lý
lẽ, tranh luận, thắng thua đó.
Tạo giá
trị cho cộng đồng mới là mục đích sống cao cả của con người chứ không phải hơn
thua ở những lần cãi vã.
Sau khi
đọc xong bài này, đã có một số người hỏi tôi: Về mặt thực tiễn tôi đang làm gì
với Toán học tại Việt nam. Tôi xin trả lời rằng: Tôi đang dạy hàng trăm học
trò, các bạn đến với tôi mà chỉ mang bút chì + tẩy, không có vở ghi, không có
ghi bài, không có bài tập về nhà và các bạn đến học chỉ vì thích và đam mê. Thứ
Toán học và Cách thức các bạn ấy làm Toán đã thực sự là Thỏi nam châm hút các
bạn ấy đến với Toán.
KẾT LUẬN
Vừa rồi,
Bộ giáo dục và Đào tạo đã công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi cũng
đã đọc kỹ thì thấy riêng ở môn Toán vẫn chưa có gì đột phá, vẫn là tư duy cũ,
vẫn là cái thứ Toán học thuần lý thuyết được "bịa" ra trong phòng
lạnh.
Chúng
ta vẫn có thể có giải ở các kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, nhưng chúng ta sẽ
tiếp tục bị Mỹ/Singapore bỏ xa trên con đường vận dụng toán học để Tạo giá trị,
con đường Thay đổi thế giới để trở nên thịnh vượng, giàu có hơn.
Và
những gia đình có điều kiện kinh tế sẽ tiếp tục gửi con ra nước ngoài để
"tỵ nạn" giáo dục.
Tôi có
thể khẳng định rằng đa số những tiến bộ hiện nay của đất nước đều có sự đóng
góp đáng kể của những người đã từng đi du học ở nước ngoài, những người
"tỵ nạn" giáo dục.
Còn nền
giáo dục hiện nay của chúng ta muốn có những đóng góp thiết thực, xứng đáng thì
cần phải đổi mới tư duy, cải thiện thực thi nhiều lắm; ngay như môn Toán học
trong nhà trường phổ thông tưởng đâu chất lượng đã rất gần với mặt bằng quốc
tế, song thực ra vẫn còn đang cách xa vời vợi.
Theo
viettimes.vn
Bài rất thú vị! Nhưng không thấy tên tác giả?
Trả lờiXóa